Bố mẹ thường có tâm lý “con mình là nhất”. Điều này là một trong những nguyên nhân việc khen con trở nên thái quá và tùy tiện, nhất là xét về yếu tố không gian. Khen trẻ trước mặt mọi người, khen trẻ ở nơi công cộng… Trẻ dễ có suy nghĩ “mình là nhất”, trở nên thiếu hòa đồng với các bạn, dần dần bị cô lập. Nếu trẻ đang tham gia thi chạy thì bố mẹ tuyệt đối không được so sánh con với bạn chạy nhanh hơn kiểu “con giỏi, con chạy nhanh hơn bạn A, bạn B” – khi có mặt của cả bạn A hoặc bạn B tại nơi đó! . Trẻ sẽ có tư tưởng hơn thua mà khó tiến bộ so với chính bản thân. Nếu cần thiết, chỉ nên động viên trẻ: “Bố/mẹ thấy con đã vượt thành tích mà con chạy hôm trước rồi, cố lên”. Phụ huynh nên nhớ, thành công hay chiến thắng với trẻ là vượt lên chính mình, tiến bộ hơn mỗi ngày. Trong bất kì hoàn cảnh nào, cũng khen ngợi con khéo léo, tránh làm con tự ti hoặc quá tự đại trước bạn bè.
Lời khen cần cụ thể
Lời khen tích cực là động lực giúp trẻ cố gắng hơn trong mọi hoạt động. “Sứ mệnh của lời khen” là tạo động lực trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Vì thế, hãy để lời “điểm huyệt” đúng điều thuộc về thế mạnh của trẻ. Khi lời khen được diễn đạt với nội dung chân thực, cụ thể, nó còn có tác dụng hướng dẫn cho trẻ trong các hoạt động của mình. Hãy hạn chế những lời khen mang tính chung chung và phóng đại “Con thông minh quá!”, “Con rất tuyệt vời!”, “Con quá giỏi!” mà hãy cố gắng “chỉ điểm” cho trẻ mình được khen vì điều gì: “Con làm làm toán luôn rất nhanh!”, “Bố/mẹ vui vì con là đứa trẻ rất tự giác làm tốt việc học của mình!”, “con là một người bạn biết chia sẻ và ôn hòa với bạn, đó là điều tốt!”, “con tiến bộ hơn so với hôm qua rồi này!”.